Hàn Mặc Tử và Bích Khê đã sống khổ đau như Poe và Baudelaire, đã trải qua những kinh hoàng của bệnh tật. Tưởng tượng, mộng mơ, âm nhạc, vũ trụ, huyền ảo, kinh hoàng, bệnh hoạn, là những yếu tố chính trong thơ Hàn Mặc Tử và Bích Khê. Thơ họ đứng riêng một cõi, khác hẳn thơ những người trong phong trào Thơ Mới.
Trong giai đoạn hình thành và phát triển Thơ Mới thập niên 1930-1940, thơ của Hàn Mặc Tử và Bích Khê nổi bật lên tính chất lạ kỳ, huyền bí, khác hẳn thơ của những người cùng thời trong dòng Thơ Mới. Nhưng cả hai thiên tài này đã không được đánh giá đúng mức, bởi thơ họ quá lạ, vượt ngoài sự cảm nhận của người đọc và người phê bình thời ấy, phần đông vẫn còn nằm trong khuôn khổ văn chương lãng mạn.
Để tìm hiểu hồn thơ dị kỳ của Hàn Mặc Tử và Bích Khê, chúng ta không thể không trở lại ảnh hưởng của thơ Pháp trong thơ Việt Nam thập niên 30-40. Và như thế, trước tiên, phải nhìn lại các trào lưu Lãng mạn, Thi sơn và Tượng trưng trong thơ Pháp thế kỷ XIX. Sự trở lại này là cần thiết, vì dường như đối với độc giả Việt nam hiện nay, phần đông vẫn còn rất xa lạ với những khái niệm này.